mic
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiến Xương, Thái Thụy phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, duy trì nguồn cung cấp thực phẩm phục vụ tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, huyện Kiến Xương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi.

Các xã, thị trấn ở Kiến Xương tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vụ thu đông.

Mặc dù là huyện triển khai sớm công tác tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ thu đông nhưng Kiến Xương đang gặp một số khó khăn khiến cả người chăn nuôi và các ngành chức năng của huyện vẫn lo lắng dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. 

Toàn huyện có 99.914 con lợn, 5.289 con trâu, bò, gần 900.000 con gia cầm các loại. Sau hơn 1 tháng triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin vụ thu đông, mới có khoảng 60% đàn gia súc, gia cầm được tiêm các loại vắc-xin phòng một số bệnh: lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, cúm gia cầm. 

Ông Nguyễn Minh Vượng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tiến độ chậm và tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng theo quy định thấp là do thời gian qua cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa chỉ đạo sâu sát vì tập trung lãnh đạo phòng, chống dịch bệnh lùn sọc đen và phòng, chống ngập úng cho lúa mùa. Thời tiết mưa to kéo dài nên cán bộ thú y các địa phương không triển khai tiêm được vì sợ dịch bệnh dễ lây lan. Giá lợn hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi chán nản, lơ là trong công tác phòng dịch. Thêm vào đó, tình trạng thiếu một số loại vắc-xin hỗ trợ dẫn đến thời gian tổ chức tiêm phòng kéo dài.

Thời gian này, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương đang nhập giống tăng đàn để chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết. Ước tính, các hộ chăn nuôi đã nhập khoảng gần 2 vạn con gia cầm và hàng nghìn con lợn nhưng việc thống kê, kiểm soát nguồn con giống gặp nhiều khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Anh Ngô Văn Luân, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp tại thôn Kỳ Nha, xã Thái Phúc (Thái Thụy) phun hóa chất khử trùng chuồng trại.

Xác định rõ những mối nguy bùng phát dịch bệnh, vừa qua, UBND huyện Kiến Xương đã có chỉ thị, công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi khẩn trương vệ sinh chuồng trại kết hợp với tiêm vắc-xin phòng các bệnh theo quy định và khuyến cáo của ngành chuyên môn. Cán bộ thú y phối hợp với trưởng các thôn thống kê chính xác đàn gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng và giám sát tốt tình hình dịch bệnh tại địa phương. Ngay khi có vắc-xin, các xã, thị trấn huy động lực lượng tổ chức tiêm phòng kịp thời, phấn đấu có từ 90% trở lên đàn gia súc, gia cầm được tiêm các mũi vắc-xin phòng bệnh theo quy định. 

Ông Phạm Duy Phớn, cán bộ chăn nuôi thú y xã Quang Trung cho biết: Vừa qua, toàn xã mới tiêm phòng bệnh lở mồm long móng và dịch tả được 1.150/6.667 con gia súc, chủ yếu tập trung ở thôn Cao Mại Đoài. Đợt này, khi có vắc-xin, chúng tôi sẽ tiến hành tiêm ngay theo hình thức cuốn chiếu nhằm tránh bỏ sót đàn gia súc, gia cầm và không để dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng.

Để nâng cao chất lượng công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, huyện Kiến Xương thành lập đội kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh bán đúng thuốc, đúng giá và tư vấn cho người chăn nuôi sử dụng có hiệu quả thuốc thú y để phòng, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Lực lượng công an, quản lý thị trường, trạm chăn nuôi và thú y tăng cường tuần tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn nhằm tránh dịch bệnh lưu chuyển và xâm nhập vào địa phương gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, nhất là đối với các xã duyên giang bị mưa lũ làm ngập úng, UBND huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức đồng loạt ra quân “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng”. Ngoài phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, toàn bộ những nơi có nguy cơ cao như: khu vực chợ, nơi giết mổ, nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, khu vực bến đò, phà, nơi công cộng, các trang trại, chuồng nuôi gia súc, gia cầm và vùng phụ cận trên địa bàn huyện sẽ được phun hóa chất hoặc rắc vôi bột để sát khuẩn, khử trùng ngăn chặn dịch bệnh phát sinh gây hại cho đàn vật nuôi.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Thái Thụy đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm… Qua đó nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Tổng đàn lợn của Thái Thụy hiện có 100.725 con, đàn trâu, bò, dê 7.837 con, đàn gia cầm hơn 1 triệu con. Nhằm chủ động thực hiện biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2017. Theo kế hoạch, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm được tổ chức thành chiến dịch rộng khắp trên địa bàn toàn huyện, thời gian thực hiện từ ngày 25/10 đến ngày 25/11/2017. Đối tượng vệ sinh, khử trùng gồm: các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở chế biến động vật, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh…

Thái Phúc là một trong những xã có số lượng gia súc, gia cầm lớn của huyện với hơn 3.000 con lợn, 30.000 con gia cầm, hơn 100 con trâu, bò. 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Chăn nuôi ở địa phương hiện nay chủ yếu tập trung tại các trang trại, gia trại với quy mô lớn. Việc tiêu độc, khử trùng được các trang trại, gia trại thực hiện thường xuyên 1 lần/tuần bằng hóa chất, vôi bột trên phạm vi toàn bộ chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi. Tuy nhiên, trên địa bàn xã hiện vẫn có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, để thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đạt hiệu quả, xã đã tích cực tuyên truyền, phát động nhân dân tập trung vệ sinh khu vực chăn nuôi, khu vực mua bán, giết mổ, thực hiện khử trùng bằng hóa chất, vôi bột. Đồng thời, thành lập tổ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thực hiện phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý chất thải tại các khu vực công cộng, chợ, đường làng ngõ xóm, chuồng trại chăn nuôi và vùng phụ cận…, sau đó tiến hành khử trùng bằng hóa chất, vôi bột.

Anh Ngô Văn Luân, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp tại thôn Kỳ Nha, xã Thái Phúc chia sẻ: Thời điểm này, thời tiết ở giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, việc tiêu độc, khử trùng sẽ giúp tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh tồn tại ở môi trường chăn nuôi, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch tai xanh ở lợn. Để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, hàng ngày tôi tiến hành vệ sinh chuồng trại, quét dọn và thu gom phân để tiêu hủy. Ngoài ra, tôi tự mua hóa chất về phun khử trùng khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột tại các vùng lân cận với tần suất 1 lần/tuần.

Để thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2017 đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành chức năng huyện Thái Thụy đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó để toàn thể nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ các xã, thị trấn và hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện ở cơ sở.


Tác giả: Theo Baothaibinh.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ hành chính

Vị trí địa lý

Diện tích: 1586.3 Km2

Dân số: 1.791.510 người

Bình chọn
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Hôm qua : 25