mic
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khu kinh tế Thái Bình – Trọng điểm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Cùng với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế ven biển là một mô hình mang tính đột phá chiến lược trong thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu kinh tế Thái Bình – trọng điểm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, với diện tích 30.583 ha, bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển được thành lập đã trở thành khu kinh tế thứ 18 của cả nước hứa hẹn những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam.

Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Mục tiêu đặt ra là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh. Vị trí quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình được ghi nhận là thuận lợi cho việc kết nối giao thông đường thủy, đường bộ và hàng không với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và khu vực; gần cảng biển nước sâu Quốc tế Lạch Huyện và sân bay Cát Bi (Hải Phòng); có tuyến đường bộ ven biển đi qua các tuyến Quốc lộ 39A, 39B; Quốc lộ 37 kết nối Khu kinh tế Thái Bình với Quốc lộ 10, đường Thái Bình -  Hà Nam, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh. Một trong những yếu tố khả thi là Thái Bình có nguồn nhân lực, tài nguyên tại chỗ khá dồi dào (khí đốt, than nâu, nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, các mỏ cát; có cảnh quan thiên nhiên ven biển, đa dạng sinh học, văn hóa địa phương...), tạo điều kiện phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Một số dự án “động lực” đã đi vào hoạt động khá hiệu quả như: Trung tâm Điện lực, Cảng biển Diêm Điền, Nhà máy NitoratAmon, hệ thống thu gom phân phối khí mỏ Thái Bình và Hàm Rồng, hệ thống phân phối khí thấp áp. Tuyến đường bộ ven biển địa phận Thái Bình đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công vào đầu năm 2019. Bên cạnh đó, trên thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về Thái Bình nghiên cứu, thăm dò tìm kiếm cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, đô thị, thương mại, khách sạn, du lịch...

Theo các chuyên gia kinh tế, các khu kinh tế có vai trò tạo ra sức hút to lớn và sự lan tỏa mạnh mẽ về uy tín môi trường đầu tư không chỉ với giới đầu tư trong nước mà quan trọng hơn là với cả các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh trên thế giới. Các khu kinh tế chính là "lực hút" mang tầm khu vực và quốc tế để tạo ra loạt điểm nhấn thu hút đầu tư của quốc gia, cho nên không thể không phát triển theo hướng cạnh tranh quốc tế. Bởi vậy, để tạo sự khác biệt làm nên tính đặc thù, vượt ra khỏi thực trạng “na ná” giống nhau về phương hướng và mục tiêu của các mô hình khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, Khu kinh tế Thái Bình xác định trọng tâm là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành công nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực. Thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hoá nguồn lực, đa dạng hoá hình thức đầu tư để phát triển hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng vào Khu kinh tế; nguồn lực của Nhà nước trung cho xây dựng công trình hạ tầng kết nối và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an sinh xã hội; các nguồn lực khác phục vụ kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện đồng thời việc xây dựng quy hoạch với việc quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng (khu trung tâm điện lực Thái Bình; khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư, đô thị, dịch vụ; khu hành chính... ) gắn với xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn, ổn định; thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi, một đầu mối, tạo tạo môi trường thông thoáng và mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Lê Văn Thế, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh tập trung hoàn thiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng và đáp ứng yêu cầu chức năng tổng hợp của Khu kinh tế; kiện toàn bộ máy cơ cấu tổ chức quản lý; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư; tăng cường các hoạt động quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư. Hoàn thành các công trình có ý nghĩa tác động mạnh, tạo sự hấp dẫn các hoạt động đầu tư vào Khu kinh tế như: tuyến đường đối ngoại kết nối khu vực, tuyến đường bộ ven biển, Quốc lộ 37,  đường Thái Bình - Hà Nam giai đoạn 2; xây dựng kè chắn cát giảm sóng luồng vào cảng Diêm Điền và nâng cấp cảng Diêm Điền có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 3.000 tấn đến 5.000 tấn, cảng trung chuyển xa bờ cho tàu 30.000 - 50.000 tấn và các khu Logistic phục vụ cảng; thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Thái Thượng, Cồn Đen, Cồn Vành, Đồng Châu theo hướng đồng bộ. Chuẩn bị quỹ đất và xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho các dự án phát triển trên địa bàn, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp bị mất đất. Giai đoạn 2021 – 2025 tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực ngành nghề mang tính trụ cột, đột phá của Khu kinh tế như: công nghiệp năng lượng, công nghiệp đóng tàu, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp khí đốt; du lịch, dịch vụ cảng, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Hoàn thiện xây dựng hạ tầng các phân khu chức năng; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng và nâng cấp hạ tầng các khu đô thị có ý nghĩa động lực phát triển của khu vực: đô thị Diêm Điền, Đông Minh, Nam Phú. Phát triển các khu đô thị mới gắn với các chức năng về công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn. Đào tạo nhân lực chất lượng cao (ưu tiên lao động địa phương) nhằm nâng cao khả năng hấp dẫn đầu tư các lĩnh vực có nhu cầu đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật. Mục tiêu cụ thể hướng tới là đến năm 2025, thu hút khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế của Khu kinh tế theo các ngành: công nghiệp xây dựng từ 55-60%, thương mại dịch vụ từ 28-30%, nông nghiệp từ 17-10%; tạo việc làm mới cho khoảng 40 - 50 nghìn lao động; đào tạo việc làm cho khoảng 25 - 30 nghìn lao động; thu nhập bình quân đầu người bằng 1,5 - 2,0 lần mức bình quân chung của tỉnh. Giai đoạn 2025 – 2030, hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình tương đối đồng bộ và thu hút các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ tiên tiến; phát triển hài hòa các chức năng theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển các đô thị biển hiện đại, văn minh gắn kết với các khu chức năng sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra 10 định hướng lớn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó có định hướng phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đang là mục tiêu đầu tư của Chính phủ. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, tổng kinh phí thực hiện Chương trình này là 20.982,02 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn); trong đó tính riêng dự án đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển là 10.774,18 tỷ đồng với 9.090, 61 tỷ đồng ngân sách trung ương và 1.683,57 tỷ đồng ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Đây thực sự là động thái kích cầu tích cực đối với Thái Bình trong xây dựng một trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với hệ thống kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị văn minh, tiên tiến. Minh chứng sống động bằng những hành động cụ thể, việc đầu tư phát triển Khu kinh tế Thái Bình không chỉ tạo bứt phá, bước ngoặt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn có tác động lan toả cả vùng, trở thành một trọng điểm phát triển quan trọng ở phía Đông Nam vùng đồng bằng Sông Hồng.

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ hành chính

Vị trí địa lý

Diện tích: 1586.3 Km2

Dân số: 1.791.510 người

Bình chọn
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 28
Hôm qua : 14