mic
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử của tỉnh

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh để tiến tới hoàn thiện nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, tỉnh Thái Bình quyết tâm xây dựng Chính quyền điện tử trong giai đoạn 2016-2020, nên những năm qua tỉnh đã chú trọng bảo đảm cơ sở hạ tầng mạng thông tin đồng bộ, kết nối liên thông giữa các cơ quan nhà nước nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình.

Trung tâm HCC tỉnh Thái Bình

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh được chú trọng đầu tư, nâng cấp

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng LAN và thiết bị công nghệ thông tin cho cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp trên môi trường mạng. Đầu tư máy quét tài liệu cho 286 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để có thể số hóa tài liệu phục vụ chỉ đạo, tác nghiệp, điều hành trên Mạng Văn phòng điện tử liên thông của tỉnh;

- Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh: Do các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh đều được quản trị tập trung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đã đầu tư hệ thống bảo mật cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh gồm: 02 thiết bị bảo mật là Fortinet FortiGate-300C Bundle FG-300C-BDL, hàng năm đều mua Giấy phép sử dụng, cập nhật các dịch vụ bảo mật và bảo hành cho thiết bị tường lửa, 01 thiết bị bảo mật và chặn lọc thư rác chuyên dụng là FortiMail 400C Bundle cho Hệ thống thư điện tử của tỉnh để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trong hệ thống thư điện tử của tỉnh; Tỉnh Thái Bình cũng đã đầu tư được một số máy chủ cấu hình cao (từ các dự án của tỉnh) và đã cài đặt phần mềm ảo hóa cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Vì vậy, hiện tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh cơ bản đủ điều kiện lưu trữ tập trung dữ liệu của các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh;

 - Đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng Mạng diện rộng của tỉnh trên cơ sở Mạng truyền số liệu chuyên dùng tới 28 cơ quan nhà nước, UBND các huyện, thành phố, Ban tiếp công dân của tỉnh và Trung tâm hành chính công tỉnh. Đang triển khai Mạng diện rộng đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn trong quý III năm 2016 nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng của Chính quyền điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và kết nối thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng và chất lượng dịch vụ của các ứng dụng dùng chung của tỉnh, nâng cao tính sẵn sàng và thuận tiện khi triển khai các giải pháp bảo mật, an ninh thông tin tập trung của tỉnh. Tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công liên thông từ cấp xã của các cấp chính quyền trong tỉnh.

Tăng cường công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp

Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp của cơ quan nhà nước các cấp, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp như:

+ Hệ thống Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện: Xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, 08 Trung tâm hành chính công các huyện, thành phố; xây dựng phần mềm hành chính công điện tử tỉnh Thái Bình để sử dụng chung trong các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện. Hiện các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đều hoạt động tương đối ổn định. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

+ Một số phần mềm dùng chung trong toàn tỉnh góp phần chuyển các hoạt động chỉ đạo điều hành và tác nghiệp của các cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng như:

- Hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh (bao gồm cổng chính và 27 cổng thành phần của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện) đã đươc nâng cấp tạo nền tảng cho phép thiết lập các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên;

- Hệ thống Mạng văn phòng điện tử liên thông đã được tích hợp ứng dụng chữ ký số và triển khai đến 100% UBND cấp xã và Đảng ủy xã với 92 cơ quan đơn vị cấp tỉnh, huyện và các cơ quan thuộc tỉnh; 679 cơ quan cấp xã, đơn vị sự nghiệp và hơn 1000 chứng thư số chuyên dùng đang sử dụng trong các cơ quan nhà nước các cấp đã thực hiện xác thực các văn bản gửi liên thông trong Mạng văn phòng điện tử. Năm 2016, đang triển khai chữ ký số cho cá nhân các đ/c lãnh đạo cấp tỉnh, huyện để thực hiện ký số văn bản trong việc quản lý, điều hành qua mạng. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, đầu năm 2016, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật kết nối liên thông Mạng văn phòng liên thông của tỉnh Thái Bình với trục liên thông của Văn phòng Chính phủ cho phép gửi, nhận văn bản; phản hồi trạng thái xử lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ với Uỷ ban nhân dân tỉnh và sẵn sàng cho việc kết nối với các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện và xã;

- Hệ thống thư điện tử của tỉnh hoạt động ngày càng có hiệu quả. Hệ thống thư điện tử của tỉnh cung cấp gần 6000 địa chỉ thư điện tử cho cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước các cấp thuộc tỉnh và các cơ quan của khối Đảng; góp phần phục vụ thường xuyên nhu cầu trao đổi văn bản điện tử cho 17 cơ quan sở, ngành thuộc UBND tỉnh, 8 UBND huyện thành phố; các cơ quan đơn vị thuộc Tỉnh uỷ Thái Bình đến cấp xã, phường, thị trấn, các trường học và các bệnh viện trên địa bàn. Hệ thống thư điện tử của tỉnh còn được các cơ quan của tỉnh sử dụng để trao đổi thông tin với các cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp và các cơ quan tỉnh ngoài.

- Hệ thống thông tin quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Thái Bình: quản lý tập trung cơ sở dữ liệu của toàn ngành tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, gần 1000 trường và đơn vị quản lý của Ngành Giáo dục và Đào tạo đã sử dụng hệ thống này từ năm học 2014-2015. Trong năm học 2015-2016, các trường đang sử dụng Hệ thống thông tin quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình rất nghiêm túc và hiệu quả để quản lý, sử dụng và khai thác thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành như quản lý nhân sự, học sinh, tài sản công, điểm số, tài chính và các vấn đề liên quan khác;

- Ngành Tài chính Thái Bình cũng được ưu tiên đầu tư kinh phí cho cơ sở hạ tầng và ứng dụng CNTT, phần mềm kế toán được triển khai tại 100% cơ quan nhà nước và các đơn vị dự toán cấp 2, 3. Phần mếm kế toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng đã được triển khai trong toàn bộ ngành tài chính của tỉnh; Trong năm 2015, Ngành Tài chính Thái Bình đã hoàn thành triển khai Phần mềm Quản lý tài sản cho 20 đơn vị chủ quản, cơ quan tài chính để tổng hợp báo cáo tài sản của toàn ngành; Đồng thời Phần mềm Quản lý tài sản còn được triển khai cho 762 đơn vị sử dụng ngân sách để trực tiếp quản lý, tổng hợp báo cáo tài sản của đơn vị mình. Bên cạnh đó sẽ tiến hành chuyển đổi dữ liệu, phần mềm của các đơn vị đang sử dụng phần mềm khác sang cùng hệ thống đảm bảo tính đồng bộ về dữ liệu của toàn Ngành Tài chính Thái Bình.

- Ngành Y tế Thái Bình cũng được ưu tiên đầu tư phần mềm ứng dụng CNTT trong quản lý, điển hình sử dụng từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nhân rộng mô hình để quản lý toàn ngành Y tế; nhiều Bệnh viện lớn thuộc tỉnh đã sử dụng Bệnh án điện tử trong hoạt động chuyên môn giúp quản lý của toàn ngành ngày càng dễ dàng hơn;

Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh

Bên cạnh việc đã đầu tư được một số thiết bị bảo mật đáp ứng tối thiểu cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, thì khi xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tỉnh Thái Bình luôn bảo đảm các nguyên tắc an toàn thông tin trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, nâng cấp các hạ tầng kỹ thuật theo theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 27001:2009 về an toàn thông tin số.

+ Đối với các hệ thống thông tin quan trọng dùng chung của tỉnh đều áp dụng chính sách ghi lưu tập trung biên bản hoạt động (log file) cần thiết để phục vụ công tác điều tra và khắc phục sự cố mạng với thời hạn lưu giữ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ Các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh đều áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin như cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền cho các hệ thống thông tin và các máy tính cá nhân có kết nối mạng Internet.

+ Bố trí cán bộ kỹ thuật trực Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh 24/24 giờ để đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Có tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật về an toàn thông tin số;

+ Thực hiện việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin và chủ động đối phó với các cuộc tấn công mạng trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời phối hợp với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam để tăng cường theo dõi, phát hiện, cảnh báo sớm các vụ tấn công vào Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh; hướng dẫn các cơ quan nhà nước trên địa bàn tăng cường triển khai các giải pháp đảm báo an toàn và bảo mật thông tin;

- Ban Cơ yếu Chính phủ đã chọn tỉnh Thái Bình làm điểm để Giám sát an ninh mạng cho tỉnh. Từ năm 2014, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các giải pháp Giám sát an ninh mạng cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh Thái Bình. Đồng thời, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã cấp 02 cặp khoá để cài đặt trên máy chủ của Mạng văn phòng điện tử liên thông và Hệ thống thư điện tử của tỉnh thực hiện việc cài đặt SSL chứng thực nguồn gốc của các hệ thống và bảo mật, mã hoá các thông tin, dữ liệu trên đường truyền, chống lại sự can thiệp không mong muốn giữa các hệ thống và người sử dụng hệ thống.

Tháng 11/2014, Ban Cơ yếu Chính phủ và UBND tỉnh Thái Bình đã ký kết thỏa thuận phối hợp trong lĩnh vực giám sát an toàn thông tin cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, cơ sở hạ tầng mạng và các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của UBND tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2020.

Về nguồn nhân lực đào tạo công nghệ thông tin

- Số cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin của tỉnh là 81 người (trong đó: số cán bộ phụ trách tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là 63 và cấp huyện là 18). Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin có 05 thạc sỹ; 76 có trình độ đại học.

-  Hàng năm tỉnh thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản trị mạng và quản trị hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đào tạo thường xuyên để sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh cho cán bộ của cơ quan nhà nước các cấp. Các doanh nghiệp trong ngành

Các doanh nghiệp trong ngành ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đã trực tiếp tạo ra nhiều các sản phẩm công nghệ thông tin để phục vụ ứng dụng trong toàn xã hội. Viễn thông và công nghệ thông tin trong những năm qua đã tạo ra những phương tiện hữu hiệu để phát triển về khoa học kỹ thuật, kinh tế và xã hội nhằm đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn với đầy đủ phương tiện thông tin hơn. Sự phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thành công đã làm tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Công nghệ thông tin phát triển tạo điều kiện đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động qua đó cho phép doanh nghiệp có điều kiện mở rộng và sáng tạo các mô hình kinh doanh nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Chính quyền điện tử của tỉnh chỉ thành công khi hợp nhất (tích hợp) cơ sở dữ liệu và đồng bộ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung toàn tỉnh. Tỉnh Thái Bình trọng những năm qua đã có những bước đi đúng hướng trong việc đồng bộ để chia sẻ dữ liệu và tài nguyên từ các hệ thống ứng công nghệ thông tin dùng chung trong Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất, tỉnh Thái Bình sẽ có một Chính quyền điện tử hoạt động đúng mục tiêu,  thông suốt, minh bạch, tăng tính bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin ở mức cao nhất; kinh tế-xã hội của tỉnh sẽ có những bước phát triển bền vững hơn; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm ở mức độ cao hơn.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ hành chính

Vị trí địa lý

Diện tích: 1586.3 Km2

Dân số: 1.791.510 người

Bình chọn
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 35