mic
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thường trực HĐND tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Thường trực HĐND tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021

STT

HỌ VÀ TÊN

CHỨC VỤ

1

Đặng Trọng Thăng

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

2

Đàm Văn Vượng

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

3

Vũ Mạnh Hiền

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH THÁI BÌNH

Điều 1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra, gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Uỷ viên Thường trực. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động thường xuyên, bảo đảm việc tổ chức các hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân được quy định tại Mục 1 Chương II Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003. Với trọng tâm là kịp thời thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đúng pháp luật, sát thực tế, thể hiện được ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mục tiêu, biện pháp, phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đôn đốc kiểm tra, giám sát Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện Nghị quyết, các quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc theo chế độ tập thể và biểu quyết theo đa số.


NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003 và các quy định khác của pháp luật.

Điều 4. Trong việc chuẩn bị kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh chuẩn bị nội dung, chương trình và các tài liệu cần thiết phục vụ cho kỳ họp, các báo cáo, đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Tổ chức họp báo để thông báo về nội dung, chương trình của kỳ họp, định hướng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền và chuyển tải thông tin về hoạt động của đại biểu, của kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển đến kỳ họp.

4. Chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị các dự thảo nghị quyết và các tài liệu cần thiết của kỳ họp gửi cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo đúng quy định.

5. Chỉ đạo công tác phục vụ đại biểu và kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 5. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm triệu tập và chủ toạ các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Thời hạn để họp liên tịch và triệu tập kỳ họp trước ngày khai mạc kỳ họp cụ thể như sau:

a) Hội nghị liên tịch để thống nhất chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp trước 40 ngày.

b) Thời gian triệu tập kỳ họp thường lệ trước 20 ngày.

c) Thời gian triệu tập kỳ họp chuyên đề hoặc bất thường trước 10 ngày.

2. Điều khiển các chương trình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

3. Bảo đảm thảo luận dân chủ, tạo điều kiện để các đại biểu phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể, đóng góp được nhiều ý kiến có chất lượng vào các nội dung của kỳ họp; lấy biểu quyết về những vấn đề mà chương trình kỳ họp đã đề ra và những vấn đề khác khi xét thấy cần thiết.

4. Chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến của đại biểu và tiếp thu chỉnh lý đề án, nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 6. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan Nhà nước khác ở địa phương thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, bao gồm:

1. Yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Nhà nước khác ở địa phương báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản về tình hình triển khai nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Khi phát hiện có sai phạm trong việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc những sai phạm khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc các cơ quan Nhà nước khác ở địa phương xem xét, xử lý và báo cáo kết quả với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời hạn do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quy định. Các sai phạm trên được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh, trường họp cần thiết có thể triệu tập kỳ họp bất thường để Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc khi thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giữa hai kỳ họp; điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét tại kỳ họp gần nhất.

Điều 7. Giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước ở địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám sát được quy định tại Mục 2 Chương III Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003.

Điều 8. Trong việc điều hoà, phối hợp hoạt động các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ:

1. Phân công các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra các báo cáo, đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Phân công các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia hoạt động đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Điều hoà, phối hợp chương trình hoạt động của các Ban và đôn đốc các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Tham dự các phiên họp của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh khi xét thấy cần thiết.

5. Tổ chức và chủ trì các cuộc họp hàng tháng của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Trưởng, Phó ban Hội đồng nhân dân, Lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; khi cần thiết mời Trưởng, Phó ban hoặc các thành viên khác của Ban tham gia hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 9. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm:

1. Đôn đốc các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu, thực hiện chương trình công tác của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổ chức hướng dẫn để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc với cử tri, thực hiện nhiệm vụ giám sát, thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri báo cáo với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và báo cáo với cử tri về hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Theo dõi, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh để chuyển đến các cơ quan Nhà nước, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của đại biểu; báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh những ý kiến, kiến nghị đó và kết quả giải quyết của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

3. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Sau khi đã thống nhất với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khi đại biểu đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong nhiệm kỳ có những biến động nhiều về đại biểu ở các tổ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, huyện, thành phố và đại biểu để điều chuyển sinh hoạt của các đại biểu cho đảm bảo số lượng đại biểu ở các tổ.

5. Xem xét, quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh. Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Chỉ định triệu tập viên trong trường hợp Hội đồng nhân dân cấp huyện khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch để triệu tập và chủ toạ kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân cấp huyện cho đến khi bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới.

6. Chỉ đạo chương trình, nội dung hoạt động và công tác khảo sát, kiểm tra của tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại các huyện, thành phố.

Điều 10. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, chuyển đến và đôn đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết những ý kiến, kiến nghị, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân. Yêu cầu tổ chức, cá nhân nói trên trả lời bằng văn bản kết quả giải quyết, thông báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và công dân biết.

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 11. Thường trực Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ tập thể và phân công trách nhiệm cá nhân phụ trách. Mỗi thành viên chịu trách nhiệm trước Thường trực Hội đồng nhân dân về lĩnh vực công tác được phân công và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân trước Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh mỗi tháng họp một lần để kiểm điểm việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các quyết định của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và đề ra nhiệm vụ công tác tháng sau. Mời đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng, Phó các Ban của Hội đồng nhân dân, Lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh dự và đươc phát biểu ý kiến nhưng không được biểu quyết.

Điều 12. Trong mối quan hệ với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội.

1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Trước mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo với Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Đảng Đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghe và cho ý kiến chỉ đạo về các báo cáo và những vấn đề quan trọng của các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tình hình tổ chức bộ máy cán bộ theo quy định của cấp uỷ; về hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, đề xuất chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung, chương trình tiến hành kỳ họp, phân công các cơ quan chuẩn bị báo cáo, đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Cùng với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng, Phó các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh nghe báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, nội dung chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp, báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo.

Sau khi kết thúc kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất những việc cần tập trung chỉ đạo, đảm bảo thực hiện theo tiến độ thời gian để đưa nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuộc sống một cách hiệu quả thiết thực.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội, để đảm bảo việc đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ của mình. Thực hiện đầy đủ các nội dung của quy chế phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Mỗi năm hai lần vào giữa và cuối năm, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông báo bằng văn bản đến Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân, kiến nghị với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh những vấn đề cần thiết trong thực hiện nội quy, quy chế phối hợp công tác xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Điều 13. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giữ mối quan hệ và phối hợp công tác với Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương; tham gia đóng góp ý kiến và tổ chức triển khai lấy ý kiến các cấp, các ngành, nhân dân địa phương vào các dự án Luật của Quốc hội; phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức, chuẩn bị về mọi mặt phục vụ các Đoàn công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn công tác của Chính phủ khi về địa phương công tác; báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

Tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh với các tỉnh và thành phố tỉnh bạn và với Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Tổ chức các đoàn công tác đi nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động dân cử ở nước ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH, UỶ VIÊN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

 

Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh:

1. Chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh uỷ trong việc chỉ đạo thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương; chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh cụ thể hoá nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thành các mục tiêu, giải pháp trong các lĩnh vực kinh tế-ngân sách, văn hoá-xã hội và quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

2. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân tỉnh, cấp uỷ và cấp trên về chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Thay mặt Hội đồng nhân dân tỉnh giữ mối quan hệ và báo cáo công tác với các cơ quan Trung ương. Giữ mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, với các tỉnh, với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp.

4. Chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh về tổ chức bộ máy cán bộ và hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan nhà nước khác, các cấp, các ngành trong tỉnh.

6. Chủ trì, thảo luận tập thể Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nghe các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo thẩm tra về việc xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, kịp thời phối hợp cùng Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nhanh chóng có giải pháp khắc phục để sớm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân trong tỉnh.

7. Trực tiếp chỉ đạo việc nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh và nội dung các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.

8. Phân công và kiểm tra công tác của Phó Chủ tịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân và các Trưởng, Phó ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.

9. Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

10. Trực tiếp phụ trách các lĩnh vực về quốc phòng, an ninh và cơ chế chính sách, cải cách hành chính tạo bước đột phá để ổn định, phát triển kinh tế-xã hội trong tỉnh.

11. Chủ trì Hội nghị liên tịch giữa Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh với các ngành, đoàn thể để quyết định nội dung, chương trình các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh về các lĩnh vực được phân công. Giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành, đoàn thể cụ thể hoá nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về mặt nhà nước thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh thể chế hoá các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giữa hai kỳ họp. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ giám sát Uỷ ban nhân dân và các cơ quan Nhà nước khác trong quá trình thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Thường xuyên phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh để giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định xử lý các phát sinh về kinh tế-xã hội, việc chấp hành pháp luật và các vấn đề có liên quan đến địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho sự điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân.

4. Phụ trách công tác giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh theo chuyên đề, chương trình, nội dung các kỳ họp Hội đồng nhân dân và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Thay mặt Hội đồng nhân dân tỉnh giữ mối quan hệ với các cơ quan Trung ương, với các tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương, Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cấp uỷ chính quyền các huyện và thành phố thuộc tỉnh theo sự uỷ nhiệm của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

6. Phụ trách công tác tuyên truyền, tham gia xây dựng và phổ biến pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

7. Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực về kinh tế- ngân sách, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

8. Chủ trì phối hợp, điều hoà hoạt động của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh. Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động, công tác của các ban. phối hợp với Trưởng, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội chỉ đạo hoạt động của Văn Phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

9. Phụ trách công tác tài chính của Hội đồng nhân dân tỉnh theo sự uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

10. Phụ trách công tác tổ chức cán bộ, phân công và quản lý điều hành bộ máy thuộc cơ quan Hội đồng nhân dân và Văn phòng; tham gia chủ toạ và điều hành kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phân công.

2. Trực tiếp phụ trách lĩnh vực văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế, thông tin, xã hội và chính sách tôn giáo ở địa phương.

3. Phụ trách chế độ, chính sách thông tin và các hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri trong tỉnh, các chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và  Hội đồng nhân dân .

4. Tổ chức chương trình, nội dung công tác giám sát của đại biểu và tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Phụ trách công tác tiếp dân và tiếp nhận, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Hội đồng nhân dân tỉnh.

6. Phụ trách công tác đại biểu dân cử và báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh; giữ mối quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.

7. Phụ trách công tác hành chính, tổng hợp, phục vụ hoạt động của đại biểu, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; chương trình công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh (tháng, quý, năm), các báo cáo công tác tại các hội nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

8. Tham gia các mặt công tác, chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; tham gia chủ toạ kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

9. Phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ khảo sát, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước ở địa phương và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ở các cấp, các ngành trong tỉnh.

10. Theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ và công khai của Hội đồng nhân dân các cấp, chế độ báo cáo công tác của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với cử tri theo quy định.


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ hành chính

Vị trí địa lý

Diện tích: 1586.3 Km2

Dân số: 1.791.510 người

Bình chọn
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Hôm qua : 15