mic
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sáng ngày 1/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố dự hội nghị.

10 năm qua, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2008 - 2017 là 3,96%/năm, vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi thủy sản, giảm dần tỷ trọng trồng trọt. Việc phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn đạt khá. Toàn tỉnh đã quy hoạch 50 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.578,6 ha, trong đó 38 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tổng diện tích thuê đất là 331 ha; có 294 dự án đầu tư, thu hút đầu tư 31.550 lao động. Nghề và làng nghề được duy trì và phát triển; đã phát triển thêm 28 làng nghề, đưa số làng nghề hiện có toàn tỉnh lên 247 làng nghề; tổng số lao động trong khu vực làng nghề khoảng 150.000 người. Thương mại, dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân ngày càng phát triển. 

Thái Bình đã thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 200/263 xã và 1 huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, vượt mức so với chỉ tiêu Nghị quyết; 57 dự án nước sạch nông thôn được đầu tư xây dựng, công suất bảo đảm cung cấp cho 100% xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; 94,2% hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch. Bộ mặt nông thôn được đổi mới ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. 

Đến năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 4,01%, giảm 6,29% so với năm 2008; bình quân thu nhập khu vực nông thôn đạt 37 triệu đồng/khẩu/năm, tăng 3,88 lần so với năm 2008. Toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp trên 5.500 nhà ở cho người có công, người nghèo; cơ bản hoàn thành xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách. Tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Từ năm 2008 - 2017, tổng nguồn vốn huy động, phân bổ cho nông nghiệp nông thôn đạt 36.799 tỷ đồng, bình quân 3.680 tỷ đồng/năm. Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới và phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn được nâng lên. Việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ được đẩy mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ nét; điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa được cải thiện, dân chủ được phát huy ngày càng sâu rộng. An ninh trật tự ổn định, chính trị được giữ vững; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tạo sự ổn định trong nông thôn và toàn xã hội.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Mục tiêu đến năm 2025 và 2030, Thái Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 đạt 2,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 2,0-2,5%/năm; đến năm 2030: tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 17 - 18% trong cơ cấu kinh tế. Về nông dân: đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, đến năm 2030 đạt trên 85%. Về nông thôn: phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 - 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc.

Tại hội nghị, đại biểu các sở, ngành, địa phương đã tham luận, trao đổi các kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 26, đồng thời đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết trong thời gian tới.

Tại hội nghị, 51 tập thể, 10 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Nghị quyết số 26 là một chủ trương đúng có tầm chiến lược, mang tính đột phá cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, làm thay đổi căn bản cục diện sản xuất nông nghiệp, bộ mặt nông thôn Việt Nam. Nghị quyết có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, những địa phương có tiềm năng lợi thế nói riêng. Đồng chí phân tích, đánh giá rõ hơn những kết quả Thái Bình đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. 

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt hơn nữa tinh thần của Nghị quyết số 26 gắn với thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản, sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Chú trọng phát triển nghề và làng nghề ở nông thôn để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. 

Tập trung chỉ đạo quyết liệt xây dựng nông thôn mới. Những địa phương đã được công nhận đạt chuẩn cần tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí; đồng thời có kế hoạch khai thác, bảo vệ, duy tu những công trình xây dựng và giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; chú trọng đẩy mạnh tích tụ đất đai, đổi mới phương thức sản xuất và quản lý, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đối với những xã chưa về đích nông thôn mới  xây dựng kế hoạch, lộ trình, rà soát từng tiêu chí, huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả, phấn đấu sớm về đích. 

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong việc giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế - xã hội nông thôn. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương.

* Khẩn trương phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sáng ngày 1/8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thông báo: Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp hiện nay bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện trên lúa mùa của các các địa phương: Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy, Vũ Thư và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Cùng với đó, do ảnh hưởng của đợt mưa úng vừa qua, nhiều diện tích lúa mùa mới cấy bị ngập úng và chết. Một số địa phương chưa chủ động trong việc gieo mạ dự phòng nên nguy có cơ thiếu mạ để cấy bổ sung diện tích lúa mùa đã chết. 

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần thực hiện ngay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn cùng với các HTX dịch vụ nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Khẩn trương hoàn thành việc gieo cấy và cấy lại những diện tích lúa mùa đã chết, quyết tâm không để diện tích bị bỏ hoang. Sau khi hoàn thành việc cấy lúa mùa, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, hạn chế bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại trên diện rộng. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật để nông dân nhận biết rõ những biểu hiện của bệnh lùn sọc đen, cách phòng trừ. Ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố cử cán bộ tăng cường xuống các địa phương hướng dẫn bà con xử lý những diện tích lúa bị nhiễm bệnh bằng cách nhổ bỏ, tiêu hủy cây lúa bị bệnh, phòng trừ rầy để loại bỏ tác nhân gây bệnh. Khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, nếu phát hiện bệnh lùn sọc đen tiến hành xử lý ngay không để bệnh lây lan ra diện rộng. Các địa phương chủ động điều tiết nước hợp lý phục vụ cho phòng trừ rầy, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nếu nơi nào để xảy ra diện tích bị bỏ hoang, không chỉ đạo kịp thời để bệnh lùn sọc đen lây lan ra diện rộng người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ hành chính

Vị trí địa lý

Diện tích: 1586.3 Km2

Dân số: 1.791.510 người

Bình chọn
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 17